Miễn phí giao hàng trong nội thành Hà Nộitrong vòng 60 phút

Cách đọc nhãn chai rượu vang

Posted on 21 Tháng mười 2019 by Malt & Co

Một vấn nạn với hầu hết người mua hoặc uống rượu vang ở VN hiện nay là vẫn đang chọn rượu dựa trên giá tiền. Họ thiếu sự hiểu biết về rượu vang để đưa ra được lựa chọn phù hợp.

Nhãn (label) là một thành phần không thể thiếu của bất kỳ một chai rượu vang nào. Đa phần những thông tin được ghi trên nhãn là tối quan trọng đối với người mua hoặc người uống để biết được loại rượu vang mà mình chuẩn bị mua hoặc uống có phù hợp với mình hay không, cả về hương vị lẫn sự hợp lý về giá thành. Vì vậy, việc hiểu về những thông tin được ghi trên nhãn chai rượu vang là cực kỳ cần thiết đối với những người có hứng thú với thứ đồ uống thần thánh này.

Thông thường, có 2 phương thức ghi nhãn rượu vang chính. Một là những nhãn chai được nhận diện chủ yếu thông qua thương hiệu của rượu vang (brand name) và một là những nhãn chai được nhận diện thông qua những thông tin xuất hiện đã được chứng nhận (appellation credentials – viết tắt: AC). Một loại rượu vang được nhận diện thông qua thương hiệu sẽ chỉ định rõ tên loại nho được dùng để sản xuất ở ngay nhãn trước của chai, trong khi đó một loại rượu vang được nhận diện thông qua AC sẽ ghi nhãn dựa trên những quy chuẩn và chất lượng quy định bởi AC đó. Một ví dụ cụ thể cho điều này là vang Chablis: trên nhãn chai Chablis hoàn toàn không có thông tin nào được ghi về loại nho sản xuất, bạn chỉ có thể biết khi tìm hiểu hoặc biết trước về loại vang này, và loại nho để sản xuất Chablis là Chardonnay.

Phương thức ghi nhãn sử dụng tên nho thường phổ biến hơn ở các quốc gia thuộc Tân thế giới như Mỹ, Úc, New Zealand, Chile, Argentina… và vì thế quen thuộc hơn đối với nhiều người. Quy cách ghi nhãn chai được quy định bởi luật ở mỗi quốc gia cũng khác nhau về việc tỉ lệ loại nho chính phải là tối thiểu bao nhiêu phần trăm mới được phép ghi lên nhãn, ví dụ như:
– Mỹ, Chile, NZ, Úc tối thiểu là 75%
– Argentina tối thiểu là 80%
– Pháp hay Ý tối thiểu là 85%

Đối với phương thức ghi nhãn theo AC thì thường phổ biến hơn ở những quốc gia thuộc Cựu thế giới như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Ví dụ như đối với vang Pháp có:
– Les Vins d’Appellation d’Origine -Vins Délimités de Qualité Supérieure (AO-VDQS) (Các loại vang chất lượng cao có nguồn gốc xuất xứ)
– Les Vins d’Appellation d’Origine Contrôlée (AOC) (Các loại vang chất lượng cao có nguồn gốc xuất xứ đã được kiểm định)
Những tiêu chuẩn này là một hình thức chứng nhận đối với những khu vực, những nhà sản xuất đã đảm bảo và vượt qua những quy định ngặt nghèo về quy trình sản xuất rượu vang.

5 yếu tố cơ bản của một nhãn rượu vang:
1. Nhà sản xuất hoặc tên (Producer or Name): Thông thường tên nhà sản xuất sẽ xuất hiện ở trên đầu hoặc phía dưới của nhãn trước chai rượu. Đối với một số loại rượu vang của Mỹ thì chỉ có tên rượu được ghi và không có tên nhà sản xuất. Đây thường là những loại rượu đã có thương hiệu và được sản xuất bởi những công ty lớn, ví dụ như rượu Apothic Red là một thương hiệu được sản xuất bởi E&J Gallo.

2. Khu vực (Region): Nơi mà nho được trồng. Thông thường khu vực trồng nho càng nhỏ, được miêu tả càng cụ thể thì giá trị của rượu vang sẽ càng cao. Ví dụ như khu vực được miêu tả là California sẽ có giá trị thấp hơn so với Santa Rita Hills. Lý do là nho được trồng tại một vườn nho cụ thể hoặc khu vực cụ thể sẽ có tính chất rõ ràng và đặc trưng hơn nho được trồng đại trà tại một khu vực rộng.

3. Loại nho hoặc AC (Variety or Appellation): Như đã nói ở phần trên. Nếu loại nho được ghi cụ thể tại nhãn chai, bạn sẽ biết rượu vang được sản xuất từ nho gì, có thể là Merlot hoặc có thể là một loại pha trộn như CMS (Cabernet, Merlot, Syrah). Còn nếu chủng loại nho không được đề cập, hãy tìm xem AC của chai rượu là gì, điều đó sẽ cho bạn biết về tiêu chuẩn của chai rượu.

4. Vụ nho (Vintage): Là năm thu hoạch của nho được dùng để sản xuất nên chai rượu. Đối với những chai sử dụng một loại nho đến từ một vụ nho cụ thể thì vụ nho sẽ được thể hiện rõ ràng ở nhãn trước của chai, còn đối với những chai được sản xuất từ nho đến nhiều vụ khác nhau (Non-Vintage) thì năm thu hoạch sẽ không được thể hiện. Và quy luật chung là Non-Vintage wine sẽ có giá trị thấp hơn Vintage wine do dùng nho từ các vụ khác nhau để hòa trộn sẽ giúp nhà sản xuất tạo ra các hương vị mong muốn dễ hơn rất nhiều.

5. Nồng độ cồn (alcohol by volume – ABV): tỉ lệ cồn có trong rượu. Thông thường khi nho càng chín thì lượng đường sẽ càng lớn và vì vậy khi lên men sẽ càng cho ra độ cồn cao và hương vị của hoa quả càng rõ ràng. Đa phần các loại rượu vang cao cấp nhất có nồng độ cồn từ 13,5% trở lên.

Một số thông tin thường gặp khác:
1. Estate Bottled: Cụm từ này có nghĩa là nho được trồng, lên men, sản xuất và đóng chai tại cùng một gia chủ, khác với những chai vang mà nho được thu gom từ nhiều nơi rồi sản xuất tập trung tại một xưởng. Vì vậy, thông thường Estate bottled sẽ có chất lượng và giá trị cao hơn. Cụm từ này tại các ngôn ngữ khác được diễn đạt như sau:
– Pháp: Mis en Bouteille au Château, Mis en Bouteille a la Propriete, Mis en Bouteille au domaine
– Tây Ban Nha: Embotellat a la Propietat
– Ý: Imbottigliato all’origine
– Đức: Erzeugerabfüllung (Germany)
2. Reserve: dự trữ/giữ gìn. Thực chất chỉ là một cách để nhà sản xuất làm cho chai rượu có vẻ hào nhoáng hơn, không có giá trị thực tế.
3. Old vines hoặc Vielles Vins: Nho thu hoạch từ các cây nho cổ, có tuổi thọ lâu đời. Điều này thường khiến cho hương vị của rượu đậm đà hơn. Tuy nhiên, cũng như Reserve, không có cơ sở gì để chứng nhận rằng rượu thực tế được sản xuất từ nho thu hoạch trên cây cổ và cũng không có một tiêu chuẩn cụ thể nào về việc cây nho từ bao nhiêu năm trở đi thì có thể được gọi là nho cổ.
4. Contains Sulfites: chứa sunfit. Sunfit là một hợp chất hóa học được dùng để bảo quản thực phẩm và thường bị cho là nguyên nhân gây ra đau đầu đối với những người uống rượu vang đỏ. Tuy nhiên điều này là một hiểu lầm như đã được giải thích tại bài viết này.

Theo The Gentlemen Club