Các loại ly để thưởng thức sake không chỉ tiện dụng mà còn rất đẹp và dễ kiếm. Chúng sẽ góp phần tô điểm thêm cho bàn ăn của bạn đồng thời giúp bạn thư giãn để tận hưởng một ngụm sake sau một ngày bận rộn và mệt mỏi.
Chén sake Masu
Masu trước đây được dùng như là cốc đo gạo để đánh thuế với dung tích 180ml. Vì vậy các loại cốc masu với thiết kế khác nhau vẫn chứa 180ml. Masu thường được làm từ gỗ tuyết tùng để tăng cường mùi thơm cho rượu. Ở các quán rượu Nhật Bản (Izakaya), rượu sake thường được phục vụ trong ly thủy tinh đặt trong masu. Người ta rót rượu vào ly thủy tinh cho tràn ra masu. Việc này khiến cho người ta thưởng thức được 2 mùi vị của rượu, khi ở trong ly thủy tinh và khi đã đượm thêm chút hương tuyết tùng.
Ban đầu masu chỉ có hình vuông, nhưng giờ đã được thiết kế thêm rất nhiều hình dạng khác.
Chén sake Sakazuki
Ly Sakazuki có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai trò trong Lễ cưới ở Nhật. Trong dịp này, cô dâu sẽ nhấp 3 ngụm rượu bằng ly sakazuki, sau đó đến chú rể rồi lại đến cô dâu. Tổng số lần nhấp sẽ là 9 – được xem là con số may mắn với hy vọng cặp đôi sẽ gắn kết với nhau hơn. Ly Sakazuki rất nông còn miệng thì rộng, đường kính khoảng 6-8cm. Có lẽ đây là món đồ đựng sake lâu đời nhất, đồng thời cũng là cách thưởng thức sake tinh tế nhất của quý tốc Nhật Bản từ thời Heian (794-1185) ở Kyoto.
Sakazuki phù hợp dùng cho rượu sake Futsu, Honjozo và Junmai. Cũng có thể dùng Sakazuki cho Ginjo, Daiginjo nhưng không tăng cường được nhiều cho hương vị do thiết kế ly nông như vậy.
Chén sake Guinomi
Điểm khác biệt tiêu biểu giữa Ochoko và Guinomi là Guinomi không có hai bên thành cốc đứng thẳng, thay vào đó là đường cong cùng miệng ly ở rộng. Hầu hết những loại Guinomi có kích thước lớn hơn Ochoko. Trong tên của “Guinomi” cũng đã đối ngược với tên của Ochoko, cho thấy khi thưởng thức rượu sake bằng Guinomi người ta sẽ uống hớp lớn hơn. Cũng do đó, chén sake Guinomi hợp với các dịp thông thường hơn.
Guinomi được cho là xuất xứ từ thời Edo (1600-1868), thiết kế cho các dịp ít trang trọng hơn so với Sakazuki và chứa được nhiều rượu sake bên trong. Ly Guinomi làm bằng đất nung phù hợp cho thưởng thức rượu sake Junmai, Kimoto và Yamahai, khiến rượu trở nên sánh mịn và mềm mại hơn. Trong khi đó ly thủy tinh hoặc gốm lại phù hợp với rượu sake Ginjo và Daiginjo, giúp rượu thơm hơn và cấu trúc trở nên tinh tế hơn.
Hãy dùng ly Guinomi gỗ vào mùa Xuân hay mùa Thu và thưởng thức rượu sake Hiya (rượu sake ở nhiệt độ phòng). Còn ly Guinomi kim loại ví dụ như Tin, thích hợp thưởng thức vào mùa hè bời chúng giúp rượu sake lạnh giữ được sự tươi mát lâu hơn đồng thời tăng cường axit trong có sẵn trong rượu.
Chén sake Ochoko
Ochoko là loại ly tiêu chuẩn, thông dụng nhất dùng để thưởng thức sake Nhật Bản. Ochoko có kích thước đa dạng, 2 bên ly thẳng đứng giúp hương thơm của rượu sake dâng lên cả phần trên cùng, nhằm thu giữ được những gì tinh túy nhất của rượu sake. Người thưởng rượu cũjnng dễ dàng đánh giá màu sắc và độ trong của sake. Ochoko phù hợp để dùng với tất cả các loại sake, cả khi nóng hay lạnh. Ochoko nhìn chung tương đối nhỏ so với Guinomi, dùng ở những dịp trang trọng hơn bởi người ta thường dùng ochoko để thưởng thức rượu với từng nhấp môi thay vì uống cả một ngụm.
Ly rượu vang
Khi uống các loại rượu sake với mùi thơm nồng nàn như Daiginjo, ly đựng phù hợp nhất là ly rượu vang pha lê. Hình dạng của ly rượu vang giữ mùi thơm sake rất tốt, đồng thời khiến chúng luân chuyển đều bên trong ly. Có thể lắc rượu vang để tăng cường mùi thơm cho sake lâu năm (Koshu). Bạn cũng có thể dùng ly rượu vang để thưởng thức rượu sake trẻ vừa mới xuất xưởng.