Whisky Nhật Bản | Japanese Whisky | Lịch sử Whisky Nhật.
Lịch sử của whisky Nhật Bản là một bí ẩn, chắc chắn rồi, bởi vì có rất ít tư liệu ghi nhận lại quá trình chưng cất của chúng trước khi thành lập nhà máy Yamazaki của Suntory vào đầu thế kỷ 20. Những gì chúng ta có thể biết, đó là một vài nhà máy rượu sake và sochu đã từng sản xuất whisky vào những năm 1850. Ngành công nghiệp Whisky Nhật Bản đã ghi nhận một bước ngoặt lịch sử vào năm 1923, khi Suntory xây dựng nhà máy chưng cất whisky chính thức đầu tiên. Trong những năm gần đây, Whisky Nhật đã được công nhận trên toàn cầu với vô số giải thưởng quốc tế, bao gồm cả việc được Jim Murray công nhận là thứ whisky ngon nhất trong cuốn Whisky Bible của ông. Cũng vì thế, nhu cầu từ thị trường được đẩy lên rất cao, và mọi người đều đi lùng sục, tìm kiếm chúng. Cũng như nhiều sản phẩm khác của Nhật Bản, whisky của họ cũng chứa đựng những nét văn hóa riêng, và chúng đang được lan truyền trên toàn thế giới một cách vô cùng mạnh mẽ.
Whisky Nhật Bản và 2 nhân vật huyền thoại
Nếu bạn đã từng tìm hiểu về thứ whisky của đất nước mặt trời mọc, chắc chắn bạn đã nghe qua Masataka Taketsuru và Shinjiro Torii. Ngày nay, những công ty của họ vẫn thể hiện được niềm đam mê từ thời những người sáng lập với whisky. Masakata Taketsuru được mệnh danh là “cha đẻ của whisky Nhật”, và ông đã dày công nghiên cứu quy trình sản xuất rượu whisky rất phức tạp tại Scotland. Ông đã mang theo kiến thức của mình và người vợ Scotland, Rita, trở lại Nhật Bản và thành lập một trong những công ty rượu whisky nổi tiếng nhất – Nikka Whisky.
Còn Shinjiro Torii, chính là người đã thành lập Suntory, khi đó có tên là Kotobukiya và xây dựng nhà máy chưng cất nổi tiếng Yamazaki vào năm 1923.
Taketsuru và Torii đã có một quãng đường đi cùng nhau trước khi mỗi người theo đuổi một chí hướng riêng. Taketsuru sau thời gian tìm hiểu tại Scotland đã trở về nước và làm việc trong công ty của Torii hơn 10 năm trời, vì vậy có thể nói Suntory và Nikka có mối lương duyên với nhau rất bền chặt. Taketsuru xuất thân trong gia đình có truyền thống nấu rượu Sake, ông theo học ngành hóa học tại đại học Glasgow, Scotland để nâng cao hiểu biết của mình về ngành đồ uống có cồn. Sau đó ông đã tự mình mạo hiểm xây dựng nhà máy chưng cất Yoichi tại Hokkaido vào năm 1940 – 6 năm sau khi thành lập công ty riêng.
Còn Suntory, vào thời điểm ban đầu, Torii đã xây dựng tên tuổi của mình bằng loại rượu vang Port (rượu vang mạnh của Bồ Đào Nha) mang tên Akadama Sweet Wine và có được thành công rực rỡ, chúng vẫn tiếp tục được sản xuất cho tới ngày nay. Tuy nhiên, chính Taketsuru đã truyền cho ông đam mê với whisky, và ông vẫn nuôi khát vọng về việc tạo ra thứ whisky nổi tiếng thế giới với phong cách Nhật Bản. Cuối cùng, ông đã xây dựng nhà máy Yamazaki vào năm 1923, bất chấp sự phản đối từ các đối tác kinh doanh của mình. Sáu năm sau, nhà máy đã xuất xưởng mẻ whisky đầu tiên mang tên Suntory Shirofuda (Suntory White Label), nhưng không thu được thành công như mọng đợi bởi chúng quá khác biệt với thị hiếu người Nhật. Sản phẩm thứ hai, Suntory Kakubin thì khác, nó đã có được thành công rực rỡ và sau đó trở thành loại whisky Nhật Bản bán chạy nhất thế giới.
Để truyền bá kiến thức và niềm đam mê với Whisky Nhật, Suntory đã mở các quán rượu whisky trên khắp cả nước bắt đầu từ năm 1955. Đến năm 1970, họ đã cách mạng hóa được văn hóa thưởng thức của Nhật Bản, bằng cách tạo ra Mizuwari, một loại thức uống gồm nước và whisky, rất dễ uống và phù hợp với các món ăn truyền thống của Nhật Bản.
Ngày nay, Suntory và Nikka là hai người khổng lồ của ngành công nghiệp whisky Nhật Bản và nổi tiếng khắp toàn thế giới. Người tiêu dùng luôn ngả mũ kính phục whisky của họ bởi sự tinh tế và trang nhã cùng nét vằn hóa chúng mang lại.
Những nhà máy đã đi vào dĩ vãng
Vào thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy được sự thành công của Nikka và Suntory, nhưng họ không phải là những công ty duy nhất làm nên lịch sử rượu whisky Nhật. Khác với nền công nghiệp Scotch whisky, khi hầu hết các nhà máy bị đóng cửa vào thời kỳ thế chiến thứ hai, thì các nhà máy tại Nhật đã ngừng hoạt động khá nhiều vào đầu những năm 2000 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Một số sản phẩm của họ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, như nhà máy chưng cất Hanyu – mở cửa năm 1941 bởi gia đình Akuto, một gia tộc nổi tiếng trong ngành sản xuất bia từ những năm 1600. Thật không may, công ty TOA, sở hữu Hanyu tuyên bố phá sản và nhà máy Hanyu cũng phải chịu chung số phận. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy whisky Hanyu nếu may mắn, và thưởng thức sự độc đáo, tinh tế hiếm có còn sót lại. Ichiro Akuto với sự giúp đỡ của một nhà máy bia khác đã giải cứu được lượng whisky còn lại của Hanyu và thành lập Venture Whisky Ltd. vào năm 2004.
Sự “xâm lăng” của Whisky Nhật Bản
Mãi cho đến vài thập kỷ qua, whisky Nhật Bản mới chính thức ra mắt thị trường thế giới. Theo phong cách kinh doanh truyền thống của đất nước này, bất cứ công ty nào cũng sẽ ưu tiên cho thị trường trong nước trước tiên, và cũng vì thế, cho dù họ đang rất được ưa chuộng tại Nhật, nhưng cũng phải nhiều năm sau whisky Nhật mới tiếp cận với thế giới.
Năm 2003, trong bộ phim “Lost in Translation” có phân cảnh nhân vật Bill Murray quảng cáo rượu whisky của Suntory với câu nói đáng nhớ: “Để có những khoảng thời gian thư giãn thực sự, hãy biến nó thành khoảnh khắc với Suntory!”. Nhiều ý kiến cho rằng bộ phim đã giúp thế giới biết về whisky Nhật, và những người yêu thích sưu tầm cũng được nâng cao nhận thức về chất lượng whisky Nhật Bản. Ví dụ vào năm 2003, Suntory Yamazaki 12 năm tuổi đã giành được giải Vàng tại cuộc thi rượu mạnh Quốc Tế tại Anh.
Trong những năm gần đây, ngành kinh doanh whisky của Nhật đã bùng nộ và thậm chí còn phổ biến trên thế giới hơn cả tại chính Nhật Bản. Cocktail Highball, thứ hỗn hợp đơn giản từ whisky Nhật và Soda đã trở thành thức uống phổ biến để ăn cùng các món truyền thống của Nhật. Cùng với việc Yamazaki Sherry Cask 2013 được vinh danh trong Whisky Bible 2015, whisky Nhật đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.