Mortlach – Lịch sử nhà máy chưng cất
Mortlach – Đại diện đầu tiên của Dufftown
Mortlach là nhà máy chưng cất rượu đầu tiên ở Dufftown, và phải hơn 40 năm sau thì thị trấn này mới có thêm một nhà máy rượu thứ hai (Glenfiddich). James Findlater thành lập Mortlach vào năm 1823, và một năm sau thì có thêm sự có mặt của Alexander Gordon và James Macintosh. Cả ba người cùng chia nhau quyền sở hữu Mortlach.
Những người chủ đầu tiên của Mortlach không có kế hoạch dài hạn trong việc duy trì và vận hành nhà máy, nên đến năm 1831, Mortlach đã được bán cho John Robertson với một số tiền rẻ đến phi lý là 270 bảng. Từ đó, đánh dấu sự khởi đầu của một số giao dịch mua bán giữa của các chủ sở hữu, bao gồm A. & T. Gregory, John Alexander Gordon và hai anh em James và John Grant. Mortlach đã ngừng hoạt động trong một vài năm vì cơ sở vật chất của nhà máy được trưng dụng làm nhà máy bia và nhà thờ.
Mortlach và quá trình sang tên đổi chủ
Cũng như người sáng lập Glenlivet (vào cũng năm 1823), những người sáng lập Mortlach hy vọng sẽ được hưởng lợi từ Đạo luật Thuế tiêu dùng mới. Nhờ kinh doanh có lãi chỉ sau một vài năm vận hành, Mortlach đã được bán qua nhiều đời chủ và điều ngạc nhiên là vài người trong số đó thậm chí còn không có bất cứ ý định sản xuất một chai whisky nào. Chả hạn như, sau khi John và James Grant của Glen Grant mua lại nhà máy, cả hai đã gỡ bỏ các dụng cụ chưng cất và để bỏ một xó, có lẽ là một cách giảm cạnh tranh. Một vài năm sau khi được sử dụng làm nhà máy bia, Mortlach quay trở về đúng với mục đích ban đầu của nó vào thời điểm năm 1852, với các trang thiết bị hoàn toàn mới cho việc sản xuất một loại rượu whisky với tên gọi ‘The Real John Gordon’ – dựa trên tên của người chủ vào thời điểm đó.
Khoảng những năm 1853 hoặc 1854, một phần của Mortlach đã được George Cowie Senior, một người chuyên về khảo sát của công ty đường sắt và (sau này) là thị trưởng của Dufftown tiếp quản. Sau khi John Alexander Gordon qua đời vào năm 1867, ông trở thành chủ sở hữu duy nhất của Mortlach. Con trai của ông, George Cowie Junior, bắt đầu làm việc tại nhà máy vào năm 1895, và hai năm sau đó, vào năm 1897, số lượng nồi ủ đã được mở rộng từ ba nồi lên thành sáu nồi. Vào thời đó, số lượng nồi ủ như thế được coi là nhiều bất thường đối với bất kì nhà máy chưng cất rượu nào, và việc mở rộng công suất có lẽ do đươc lấy cảm hứng từ “cơn sốt whisky” ở Scotland thời bấy giờ, đồng nghĩa với việc rượu cứ ra lò là bán chạy như tôm tươi.
Và Mortlach về đầu quân cho Diageo
Năm 1897, khi các nồi nấu được đưa vào lắp đặt, các chủ sở hữu cũng đã cho xây dựng thêm một tuyến đường sắt liên kết Mortlach với nhà ga Dufftown. Một năm sau, hệ thống đèn điện được xây dựng, hệ thống nâng thủy lực trong kho được sử dụng để nâng đỡ các thùng rượu và tải đồ. Đó là các khâu cải tiến, hiện đại hóa cuối cùng của nhà máy cho đến khi Alexander Cowie quyết định bán Mortlach cho John Walker & Sons vào năm 1923 và trở thành một phần của Công ty TNHH Distillers (viết tắt là DCL – tiền thân của công ty Diageo bây giờ) vào năm 1925. Hình dáng của sáu nồi ủ sử dụng trong nhà máy rượu Mortlach khá là kì dị, có thể coi là có một không hai trên đất Scotland. “Chưng cất ba phần” là một kỹ thuật được sử dụng tại nhà máy Mortlach, một kiểu biến thể của kỹ thuật chưng cất rượu được sử dụng tại Springbank và Benrinnes.
Mortlach trong Thiên niên kỷ mới
- 2002 – Trong một thời gian dài, loại chai chính thức của Mortlach được cấp phép bởi Gordon & Macphail. Tuy nhiên, Mortlach ‘Manager’ Dram ‘(55,8%, OB, Refill thùng, 2002) 19 năm tuổi đã đánh dấu một khởi đầu mới cho hình thức chai rượu của hãng
- 2004 – Ra mắt Mortlach 1971/2004 (50,1%, OB) 32 năm tuổi
- 2009 – Ra mắt loại Mortlach 1997/2009 ‘Managers’ Choice’ (57,1%, OB, C # 6802, 240 Bts.)
- 2013 – Diageo tiết lộ kế hoạch đầu tư trị giá 18 triệu bảng để tăng gấp đôi công suất nhà máy chưng cất Mortlach ‘và quảng bá nó như một loại single malt độc lập’.
- 2019 – Như các bạn đã biết, Mortlach ra mắt dòng sản phẩm đình đám của mình với 3 đại diện: 12, 16 và 21 năm tuổi